Giáo xứ Chính Toà - Giáo phận Thái Bình


Trở về trang danh sách:
➤  Giáo Hạt - Giáo Xứ
Giáo xứ Chính toà Thái Bình
Nhà thờ chính tòa Thái Bình tọa lạc giữa trung tâm Thành phố, ngay cạnh Tòa Giám mục Thái Bình
GIÁO XỨ CHÍNH TOÀ THÁI BÌNH
Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XVIII
Năm thành lập Giáo họ Kỳ Bá : 1722
Ngày thành lập Giáo xứ : 17/8/1908
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 17/7/2005
Năm cung hiến thánh đường : 13/10/2007
Bổn mạng : Thánh Tâm Chúa Giêsu 
(thứ Sáu sau lễ Mình Máu Chúa)
Giáo dân: 1.458 (Toàn xứ); 742 (Nhà xứ) 

Địa chỉ : Nhà thờ Chính Toà Thái Bình, số 08 Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Tp. Thái Bình.

I - VỊ TRÍ
Nhà thờ chính tòa Thái Bình tọa lạc giữa trung tâm Thành phố, ngay cạnh Tòa Giám mục Thái Bình.
II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển
Không có sử liệu nào nói về việc hạt giống Đức tin được gieo vào mảnh đất Thái Bình từ bao giờ, chỉ biết Thái Bình là họ lẻ (họ Kỳ Bá) được thành lập năm 1722, thuộc xứ Sa Cát.
Ngày 21/3/1890, Toàn quyền Đông Dương Jules Georges Piquet ra nghị định thành lập tỉnh lỵ Thái Bình, gồm phủ Thái Bình, phủ Kiến Xương (tách từ tỉnh Nam Định) và huyện Thần Khê (tách từ tỉnh Hưng Yên). Tỉnh lỵ đặt tại phủ Kiến Xương, bên sông Trà Lý.
Năm 1906, cha Phêrô Munagorri Trung, cha xứ Sa Cát, thấy viễn tượng Thái Bình sẽ là nơi thích hợp đặt Tòa Giám mục và trở thành nhà thờ Chính tòa Giáo phận, ngài nhờ cha Andres Kiên (Tây Ban Nha) xây dựng thánh đường theo kiến trúc Gothic (nhà thờ đã trùng tu năm: 1937, 1967 và 1995).
Ngày 17/8/1908, sau khi cha Phêrô Munagorri y Obineta Trung được tấn phong Giám mục Tông toà Địa phận Trung, ngài cắt một số họ thuộc xứ Sa Cát và Cổ Việt để thành lập xứ Thái Bình, nhận Thánh Tâm Chúa Giêsu làm bổn mạng. Khi đó, tại Giáo xứ Thái Bình có dòng Phaolô từ Pháp đến, lập viện mồ côi, nhà dưỡng lão.
Năm 1915, Thái Bình thành lập hội Thánh nữ Imenda, hội Trái Tim Chúa Giêsu (sau xứ Tiên Chu).
Ngày 09/3/1936, Tòa Thánh ban Sắc lệnh Praecipuas inter Apostolicas (Những Ưu Tư Tông Đồ), thành lập Giáo phận Thái Bình, gồm tỉnh Thái Bình và phần lớn tỉnh Hưng Yên. Giáo xứ Thái Bình trở thành Nhà thờ Chính tòa Giáo phận. Ước vọng của cha Phêrô Munagorri Trung nay đã trở thành hiện thực.
Ngày 17/7/2005, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, cha xứ Giuse Trần Xuân Chiêu và Giáo xứ xây dựng nhà thờ Chính tòa với chiều dài 79m, rộng 25m cao 27m, 2 tháp chuông cao 48m và xây nhà chung 4 tầng, dài 25m, rộng 9m, cao 15m. Cả hai công trình này được khánh thành vào ngày 13/10/2007.
Các chứng nhân tử đạo
Trong thời kỳ cấm đạo, chung quanh Thái Bình có nhiều nhà tù giam giữ và là pháp trường xử các tín hữu Công giáo. Phường Kỳ Bá xưa kia có một mẫu ruộng bỏ hoang không ai dám canh tác, vì đó là nơi giam giữ các tín hữu bị bắt trong thời cấm đạo. Nhiều tín hữu bị trầm hà ở Đông Trì (quan cho trói chân người nọ vào cổ người kia, rồi quăng xuống sông). Địa danh Soi Noi, thuộc họ Lạc Đạo cũng là một nhà tù và là nơi xử 27 vị tử đạo. Thời gian đầu, nhiều người nơi đây nghe rõ tiếng đọc kinh. Sau khi chuyển hài cốt các vị đi nơi khác, hiện tượng đó không còn nữa.
Giáo xứ Thái Bình có hai Hiền phúc được ghi trong Sổ Tử Đạo Rôma: thầy giảng Nhâm (số 612); thầy giảng Giuse Hiến (số 507).
Ơn gọi trong Giáo xứ: cha Phêrô Vũ Văn Tạo (Lạng Sơn); thầy Phêrô Vũ Văn Hiển (dòng Thánh Tâm).
Các linh mục coi sóc Giáo xứ
Cha Tràng An (Marcos Gispert); cha Rengen Lễ; cha Xuyên; cha Trinh; cha Hạnh; cha Sùng; cha Thanh Minh; cha Trần Chấn Chỉnh; cha Đức; cha Quý; Đức cha Đaminh Đinh Đức Trụ (1954 -1977); cha Giuse Mai Trần Huynh (1977-1992); cha Giêrônimô Nguyễn Văn Đạo (1992-2002); cha Giuse Trần Xuân Chiêu (2002-2009); Đức ông Tổng Đại diện Giêrônimô Nguyễn Phúc Hạnh (2009-2014) hiện nay là cha Tổng Đại diện Fr.Ass. Nguyễn Tiến Tám.
Các giáo họ trực thuộc: Đại Hội, Lạc Đạo, Đông Trì, Đồng Đức, Tân Thành, Phúc Khánh, Thượng Cầm.
III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Là Giáo xứ mẹ, Giáo xứ Chính toà luôn là điểm tổ chức các hoạt động lớn của Giáo phận: lễ quan thầy Giáo phận, lễ phong chức linh mục và phó tế... và đây cũng là điểm hội thảo, đào tạo của các ban ngành trong Giáo phận. Hiện nay, các sinh hoạt trong Giáo xứ phát triển mạnh, các đoàn hội: hội Con Đức Mẹ, hội Thánh Têrêxa, hội Gia Trưởng, Huynh đoàn Đaminh, các Ca đoàn, ban Giáo lý, Thiếu Nhi Thánh Thể, ban Kèn đồng ngày càng đi vào chiều sâu.
Giáo xứ Chính tòa nằm ở trung tâm thành phố nên có số đông người di dân từ các nơi, gồm đủ mọi thành phần: sinh viên, dân lao động, buôn bán tự do đến làm ăn sinh sống.Trước hiện trạng ấy, cha xứ và Giáo xứ rất quan tâm tới sứ vụ huấn giáo nhằm giúp cho anh chị em di dân có một đức tin vững mạnh, giúp các bạn trẻ có một hành trang chắc chắn chuẩn bị bước vào đời.
Với chặng đường hình thành và phát triển đầy tự hào, Giáo xứ Chính tòa vẫn luôn là ngọn cờ tiên phong cho mọi sinh hoạt của Giáo phận. 
GIÁO HỌ ĐẠI HỘI 
Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế thế kỷ XVIII
Năm thành lập Giáo họ : Năm 1916
Năm xây nhà thờ hiện tại : 01/9/2011
Bổn mạng : Hai thánh Antôn (13/6) & Anna (26/7)
Số giáo dân : 200

Địa chỉ : Nhà thờ Đại Hội, thôn Bắc Hưng, xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 7km về hướng Tây Bắc. 
I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Theo truyền khẩu, cuối thế kỷ XVIII, hạt giống Đức tin được gieo vào vùng đất Bắc Hưng và người dân đã tin tưởng đón nhận.
Năm 1916, Giáo họ Đại Hội được thành lập, nhận hai thánh Antôn và Anna làm bổn mạng. Ban đầu, giáo dân dựng ngôi nhà nguyện bằng tre, gỗ, mái rạ và tranh cùng với 7 gian nhà chung.
Năm 1927-1928, Giáo họ xây ngôi nhà thờ mới với chiều dài 21m, rộng 5.3m, tháp chuông cao 14m và được khánh thành năm 1932.
Biến cố năm 1954, nhiều gia đình di cư vào Nam, số giáo dân còn lại khoảng 55 người.
Năm 2003, cha xứ Giuse Trần Xuân Chiêu cùng Giáo họ xây nhà giáo lý, dài 10m, rộng 4.2m.
Ngày 01/9/2011, Đức ông Tổng Đại diện Giêrônimô Nguyễn Phúc Hạnh và Giáo họ xây nhà thờ, dài 35m, rộng 10m, tháp chuông cao 35m và được khánh thành ngày 19/11/2014.
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Tuy khó khăn, gian truân trên con đường giữ đạo nhưng Đại Hội quyết tâm sống đời sống Đức tin kiên trung, bền bỉ bằng việc xây dựng và tổ chức các đoàn hội: hội Con Đức Mẹ, hội Lòng Chúa Thương Xót, Ca đoàn, Thiếu Nhi Thánh Thể, ban Trống. Đồng thời, mỗi người trong Giáo họ không ngừng phát triển hơn nữa về đời sống kinh tế, văn hóa để đem tình thương và lòng bác ái của Chúa đến với anh em lương dân xung quanh.
GIÁO HỌ ĐÔNG TRÌ
Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XIX
Năm thành lập Giáo họ : 1920
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2010
Bổn mạng : Thánh Giuse Thợ (01/5)

Số giáo dân : 12
Địa chỉ : Nhà thờ Đông Trì, thôn Nguyễn Huệ, xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 6km về hướng Đông. 
I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Giáo họ Đông Trì được đón nhận Tin Mừng từ cuối thế kỷ XIX.
Năm 1920, Giáo họ được thành lập, nhận Thánh Giuse Thợ làm bổn mạng. Sau khi được thành lâp, Giáo họ dựng ngôi nhà thờ nhỏ 5 gian bằng tre nứa, mái lá với khoảng 150 nhân danh.
Cơn bão năm 1945 phá hủy toàn bộ nhà thờ. Theo lời các vị cao niên, có thời điểm vì thiên tai, bão lụt, Giáo họ phải đưa tượng thánh Giuse bổn mạng sang gửi bên họ Cát Trại, xứ Sa Cát, nằm phía tả ngạn sông Trà Lý.
Năm 1950, Giáo họ xây nhà thờ trên nền cũ 3 gian với chiều dài 6m, rộng 3m, cao 3m. Năm 1968, nhà thờ bị bão phá đổ.
Năm 1990, thời cha xứ Giuse Mai Trần Huynh, ông trùm Cư hiến căn nhà làm nhà thờ tạm thời.
Năm 2010, Đức ông Giêrônimô Nguyễn Phúc Hạnh và Giáo họ xây nhà thờ mới với chiều dài 20m, rộng 8m, cao 9m, tháp chuông cao 17m và được khánh thành năm 2012. 
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Trải qua biết bao thăng trầm, Giáo họ Đông Trì vẫn một lòng tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa. Trong những năm gần đây, đời sống vật chất và các sinh hoạt tôn giáo của Giáo họ ngày càng được củng cố và phát triển. Sống giữa vùng phần lớn là anh em lương dân, người tín hữu Đông Trì luôn ý thức mình có bổn phận làm chứng cho Chúa Kitô trong môi trường xung quanh.
GIÁO HỌ ĐỒNG ĐỨC 
Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XVIII
Năm thành lập Giáo họ : 1885
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 01/02/2001
Bổn mạng : Thánh Phêrô Tông Đồ (29/6)

Số giáo dân : 65
Địa chỉ : Nhà thờ Đồng Đức, thôn Bắc Hưng, xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư, tp. Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 7km về hướng Tây Bắc.
I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Đồng Đức là một làng chài nằm cạnh sông Trà Lý, thuận đường đi của các nhà truyền giáo. Do đó, Đồng Đức được đón nhận Tin Mừng từ đầu thế kỷ XVIII.
Năm 1885, Giáo họ Đồng Đức được thành lập, thuộc xứ Sa Cát, nhận thánh Phêrô Tông Đồ làm bổn mạng với khoảng 200 nhân danh.
Năm 1890, tỉnh Thái Bình được thành lập, làng chài Đồng Đức đã có nhà thờ 7 gian bằng gỗ, tại đất Giáo xứ Chính tòa hiện nay.
Ngày 17/8/1908, Đức cha Phêrô Munagorri Trung ban Sắc thành lập xứ Thái Bình, Đồng Đức thuộc về xứ mới.
Biến cố năm 1954, nhiều gia đình rời quê hương di cư vào Nam, Giáo họ còn lại 7 gia đình.
Ngày 01/02/2001, cha xứ Giêrônimô Nguyễn Văn Đạo và Giáo họ xây nhà thờ mới.
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Đời sống kinh tế của giáo dân Đồng Đức vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với bản chất đôn hậu và lòng nhiệt tình của những người con sông nước, các tín hữu Đồng Đức vẫn gìn giữ và thể hiện sắc nét qua đời sống Đức tin hết sức đơn sơ và bình dị. Trong niềm tin tưởng và hiệp nhất, Giáo họ hy vọng sẽ thăng tiến nhiều hơn nữa trên mọi lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, đời sống Đức tin để hòa cùng dòng chảy của Giáo phận trong 80 năm hình thành và phát triển. 
GIÁO HỌ LẠC ĐẠO 
Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XVIII
Năm thành lập Giáo họ : 1850
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2000
Bổn mạng : Thánh Phaolô Tông Đồ (29/6)
Số giáo dân : 349

Địa chỉ : Nhà thờ Lạc Đạo, tổ 26, p.Trần Lãm, tp.Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 2km về hướng Nam.  
I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển
Khoảng đầu thế kỷ XVIII, các vị thừa sai từ Sa Cát đến vùng đất Lạc Đạo gieo rắc Tin Mừng và người dân nơi đây đã mau mắn đón nhận.
Năm 1850, Giáo họ Lạc Đạo được thành lập, thuộc xứ Sa Cát, nhận thánh Phaolô Tông đồ làm bổn mạng.
Khoảng năm 1910, cụ Hậu Phán và Giáo họ làm nhà thờ bằng gỗ lim, chạm trổ rất công phu với chiều dài 24m, rộng 10m, lợp ngói ta và bàn thờ theo kiểu Á Đông.
Năm 1940, Giáo họ xây tháp chuông cao 28m, đúc quả chuông 80kg và hoàn thành năm 1951.
Biến động năm 1954, hầu hết giáo dân di cư vào Nam, chỉ còn lại một vài gia đình. Năm 2000, cha Giêrônimô Nguyễn
Văn Đạo và bà con giáo dân khởi công xây dựng nhà thờ với chiều dài 40m, rộng 10m, tum cao 27m, tháp chuông cao 34m và được khánh thành ngày 03/01/2009. 
Các chứng nhân tử đạo
Giáo họ rất vinh dự đóng góp cho Vườn Vạn Tuế Thái Bình 2 Hiền phúc: Đaminh Vân (số 515); Đaminh Quế (số 516) và chứng nhân Luy Đôn.
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Giáo họ Lạc Đạo nằm ở trung tâm thành phố nên có đời sống khá sung túc, phát triển bằng các ngành nghề buôn bán, giao thương, kỹ nghệ. Cùng với sự phát triển về đời sống kinh tế, đời sống Đức tin của Giáo họ không ngừng được nâng cao, các đoàn hội hoạt động sôi nổi, tinh thần đoàn kết yêu thương trong và ngoài Giáo họ ngày càng gắn bó. 
GIÁO HỌ TÂN THÀNH 
Năm đón nhận Tin Mừng : 1978
Năm thành lập Giáo họ : 21/7/2002
Năm xây dựng nhà thờ : 10/03/2010
Bổn mạng : Thánh Phêrô Tông Đồ (29/6)
Số giáo dân : 28
Địa chỉ : Nhà thờ Tân Thành, thôn Tân Thành, xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 7km về hướng Tây Bắc. 
I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Năm 1978, vì muốn ổn định cuộc sống, gia đình ông bà Phêrô Trần Đức Sáng, quê tại họ Thượng Vạn, xứ Gia Lạc, làm nghề chài lưới đã đến định cư tại thôn Tân Thành, xã Phúc Thành. Ông bà có 6 người con, gồm 3 trai, 3 gái. Ban đầu, ông bà gặp cha xứ Giêrônimô Nguyễn Văn Đạo trình bày ước muốn được xây một nhà thờ nhỏ tại mảnh đất Tân Thành. Được cha xứ Chính tòa chấp thuận, năm 1998, ông bà cùng các con xây ngay trên mảnh đất của gia đình một nhà thờ nhỏ 3 gian, dài 10m, rộng 4.5m, cao 4.7m. Ngôi nhà thờ hoàn thành ngày 15/8/2001.
Năm 2002, gia đình ông bà trình lên cha xứ Giuse Trần Xuân Chiêu, sau đó trình lên Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, muốn được thành lập tại vùng đất xa xôi hẻo lánh này một họ giáo.
Ngày 21/7/2002, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang ban Sắc thành lập giáo họ Tân Thành, thuộc xứ Chính tòa.
Ngày 10/3/2010, Đức ông Giêrônimô Nguyễn Phúc Hạnh và Giáo họ xây nhà thờ mới với chiều dài 20m, rộng 8m, cao 6.5m và được khánh thánh ngày 13/12/2013.
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Với quãng thời gian chưa dài so với lịch sử của một giáo họ (hơn 30 năm hình thành và phát triển) nhưng lòng mộ đạo của bà con giáo dân Tân Thành ngày càng trưởng thành và thăng tiến hơn bao giờ hết. Dù chỉ là một Giáo họ nhỏ bé, sinh sau đẻ muộn, Giáo họ cũng tổ chức các đoàn hội: Huynh đoàn Đaminh và Ca đoàn...Các đoàn hội sinh hoạt sôi nổi và sốt sáng, kêu gọi được mọi tầng lớp và mọi lứa tuổi trong Giáo họ tham gia. Trên chặng đường đồng hành với Giáo phận, Tân Thành luôn nêu cao tấm gương về tinh thần sống và giữa đạo bền bỉ, với ý thức và trách nhiệm mang hạt giống Tin Mừng gieo rắc trên mảnh đất quê hương xứ sở.
GIÁO HỌ THƯỢNG CẦM 
Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XIX
Năm thành lập Giáo họ : 1907
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1987
Bổn mạng : Thánh Vinhsơn (05/4)

Số giáo dân : 32
Địa chỉ : Nhà thờ Thượng Cầm, thôn Kìm, xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 7km về hướng Đông Nam. 
I- HÌNHTHÀNHVÀPHÁTTRIỂN
Người dân làng thôn Kìm hầu hết sống bằng nghề nông, tính tình chất phác, chân thành. Hạt giống Tin Mừng được gieo vào nơi đây bao giờ không còn ai biết. Theo truyền khẩu, Giáo họ Thượng Cầm được thành lập năm 1907, thuộc xứ Đồng Quan, nhận thánh Vinhsơn làm bổn mạng, số giáo dân khoảng 300. Ban đầu, Giáo họ dựng một nhà thờ nhỏ bằng các vật liệu thô sơ để làm nơi cầu nguyện.
Năm 1938, Giáo họ dựng nhà thờ 7 gian, bằng gỗ lim với gạch đỏ, tháp chuông cao 35m.
Năm 1943, Bề trên Giáo phận tách Thượng Cầm khỏi xứ Đồng Quan, chuyển về xứ Chính Tòa.
Năm 1945, nạn đói hoành hành, giáo dân trong Giáo họ di tản gần hết.
Biến cố năm 1954, nhiều gia đình di cư vào Nam, chỉ còn 2 gia đình với 8 nhân danh ở lại.
Ngày 02/8/1986, cơn bão lớn làm sập đổ hoàn toàn ngôi nhà thờ và tháp chuông.
Chỉ sau một thời gian, được sự kêu gọi giúp đỡ của Đức cha Giuse Đinh Bỉnh, cha chính Giuse Trần Văn Cẩm, cha xứ Giuse Mai Trần Huynh dựng một ngôi nhà nguyện nhỏ ngay trên đống đổ nát của nhà thờ cũ.
Năm 2001, cha xứ Giêrônimô Nguyễn Văn Đạo và Giáo họ xây tháp chuông.
Năm 2007, Giáo họ xây nhà chung phục vụ các sinh hoạt trong Giáo họ.
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Với biết bao gian nan, vất vả để duy trì và bảo vệ Đức tin, các tín hữu Thượng Cầm luôn tin tưởng vào Chúa, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn để xây dựng Giáo họ thăng tiến về mọi mặt.
Hiện nay, Giáo họ có một cộng đoàn của các nữ tu Mến Thánh Giá Tân Lập hoạt động. Ngoài các công việc riêng của dòng, các dì còn giúp Giáo họ tập hát, cắm hoa, dạy giáo lý và nhiều công việc khác. 
GIÁO HỌ PHÚC KHÁNH 
Năm đón nhận Tin Mừng : Không rõ
Năm thành lập Giáo họ : 1942
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 17/7/2005
Bổn mạng : Thánh Đaminh (08/8)
Số giáo dân : 27
Địa chỉ : Nhà thờ Phúc Khánh, Phường Phúc Khánh, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Cách nhà xứ khoảng hơn 2km về hướng Tây Nam.
I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Năm 1942, một số người Công giáo từ xóm Hòa Bình đến đây làm ăn, sinh sống và đã thành lập nên một giáo họ. Sau đó, ông Trọng cùng các gia đình xung quanh có ý định xây dựng nhà thờ, nhưng chỉ thời gian ngắn thì ông Trọng qua đời. Ước nguyện xây dựng nhà thờ đã không thành hiện thực.
Năm 1945, cha xứ cùng với mọi người trong Giáo họ đã xây dựng ngôi nhà thờ nhỏ.
Năm 1954, nhiều người đã di cư vào miền Nam, chỉ còn 3 gia đình ở lại.
Năm 1968, chiến tranh, bom đạn cùng cơn bão khiến nhà thờ bị hư hại nặng: gian thánh bị đổ, mái nhà sập. Nhà thờ tan hoang, lòng đạo của của mọi người cũng sa sút, lợi dụng tình thế này, một số phần tử xấu có ý định phá hủy nhà thờ, xóa sổ Giáo họ Phúc Khánh. Tuy nhiên, ý định này đã không thành công.
Năm 1992, cha Giuse Mai Trần Huynh cùng mọi người sửa chữa lại nhà thờ, đổ cột bê-tông treo chuông. Công việc đang dở dang thì bị ngăn cấm.
Năm 2013, Đức ông Giêrônimô Nguyễn Phúc Hạnh đã bỏ tiền chuộc lại mảnh đất 32m2 làm sân nhà thờ.
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Trải qua giai đoạn lịch sử với những biến cố cấm cách, cùng những ảnh hưởng của thiên tai đối với cuộc sống, có lúc tưởng chừng tên Giáo họ Phúc Khánh không còn tồn tại. Thế nhưng, giáo dân nơi đây đã được sự động viên, khích lệ của các linh mục coi sóc, cùng với lòng mến bền bỉ, kiên cường đã dần khôi phục lại Giáo họ. Hàng ngày, ngôi nhà thờ nhỏ bé vẫn vang lên tiếng kinh nguyện của bà con Giáo họ như báo hiệu một tương lai đầy tươi sáng, là nơi tuôn đổ ân phúc của Thiên Chúa xuống cho mọi người nơi đây.
 
(Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)

Video mới nhất