Gia đình thánh nhân là bạn rất thân với Hồng Y Pedro de Luna, về sau trở thành Giáo Hoàng "nhưng không được chính thức ghi trong sổ" là Benedictô XIII tại Avignon, Pháp quốc (xin coi biểu đồ). Có lẽ phải nhận rằng thời gian ngài sinh sống là thời đại "láo nháo" nhất trong suốt lịch sử Giáo Hội khi quyền bính Hội Thánh trở thành tục hoá, và việc điều hành Giáo Hội nằm trong tay tới 3 vị Giáo Hoàng mà vị nào cũng có các thánh ủng hộ! Chúng ta nên xét thêm một chút về thời đại này để dễ dàng hơn phán đoán sự can đảm và hy sinh của thánh Vinh Sơn trong việc bảo về Giáo Hội.
1. Thánh VINH SƠN là một nhà truyền giáo dòng Đa minh rất nổi tiếng. Ngài sinh tại Valencia vào ngày 23 tháng Giêng năm 1350 trong một gia đình danh giá. Do đó, người ta không lạ gì khi thấy ngài quen biết rất nhiều vị vương giả trong triều đình cũng như trong giáo triều La mã. Ngài theo học tại Valencia và năm 14 tuổi đã hoàn tất chương trình triết lý. Năm 17 tuổi xin gia nhập dòng Đa minh và năm sau được gửi đến học viện Barcelona. Năm 1370, tức là mới 20 tuổi, ngài đã dậy triết tại Lerida. Một trong những học trò danh tiếng của ngài là cha Pierre Fouloup, về sau trở thành đại pháp quan của giáo đình La mã. Vào năm 1373, 23 tuổi, Vinh Sơn trở nên rất danh tiếng khi có một nạn dịch lớn xẩy ra trong vùng Barcelon, khiến cho hàng ngàn người chết đói. Ngài tiên tri rằng đang có một tầu chở đầy lúa mì tiến đến thành. Đúng như lời ngài tiên báo. Nhiều người khỏi chết đói và dân chúng bớt hỗn loạn. Dân chúng hoàn toàn tin tưởng nơi ngài. Năm 1377, ngài được gửi đi học thêm tại Tuolouse và nổi tiếng với lời dạy dỗ "học tập đi theo lời cầu nguyện và cầu nguyện nối tiếp học tập". Ngài chuyên khoa về văn hoá Ả rập và Do thái đến nỗi về sau trở thành nhà rao giảng tin mừng không mệt mỏi cho mọi người, nhưng nhất là cho người Hồi giáo và Do thái giáo.
2. Như chúng ta đã biết thánh Vinh Sơn chào đời vào năm 1350 là thời gian mà các đức Giáo Hoàng đang cai trị Hội Thánh ở Avignon, Pháp quốc chứ không từ Roma. Toà thánh đi về Avignon từ năm 1309 đến 1376. Khởi đầu là việc các vị Hồng Y bầu chọn đức Tổng Giám Mục thành Bordeaux là Bertrand Got làm Giáo Hoàng, hiệu Clementê V (1305-1314). Tại Ý và tại Roma đã có nhiều cuộc chiến tranh muốn kiểm soát quyền lực Giáo Hoàng, và đã có một vài vị Giáo Hoàng phải rời khỏi giáo đô. Đức giáo hoàng Clementê V vì là người Pháp, nên thấy gần gũi với Pháp quốc hơn, đã quyết định dời hẳn giáo đô về Avignon vào năm 1309. Các vị Giáo Hoàng trong thời gian này là người Pháp. Nhưng khởi đầu cho các biến cố đau thương của Giáo Hội, là khi Đức Giáo Hoàng Clementê V qua đời năm 1314, thì toà thánh trống ngôi 2 năm vì các Hồng Y đã không đồng ý với nhau trong việc bầu cử vị tân Giáo Hoàng. Đến năm 1316 tại một tu viện dòng Đa minh ở Lyon, đức Hồng Y Jean d'Eusee Cadurco đắc cử và lên ngôi Giáo Hoàng, hiệu là Gioan XXII. Sau Đức Giáo Hoàng Gioan XXII là Benedictô XII; sau ngài là Đức Clementê VI; sau Đức Clementê VI là Đức Innocentê VI. Sau Đức Innocentê VI chân phước Urban V (1370-1370). Chân phước Urban V có lần đã về lại Roma, nhưng khi dân chúng thấy ngài chỉ định nhiều tân Hồng Y người Pháp hơn là người Ý nên nổi loạn chống đối, ngài lại về Avignon. Sau ngài là Đức Gregory XI (1370-1378) và cũng là vị cuối cùng ở Avignon. Ngài muốn trở về Roma dù cho các Hồng Y ngăn cản. Tuy nhiên thánh nữ Catarina de Siena đã đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục ngài trở về giáo đô năm 1376. Đến năm 1378 thì ngài qua đời và sau đó khởi sự cho thời tang tóc. Đức Gregori XI là người Pháp. Dân ở Roma muốn bầu một vị người Roma hoặc ít nhất là người Ý. Chúng ta không nên lầm tưởng rằng người Ý và người Roma là một. Đó là hai nước khác nhau, có những quyền lợi và bổn phận khác nhau. Dân chúng biểu tình gây áp lực với các Hồng Y đang có mặt. Các vị Hồng Y đã chọn đức Tổng Giám Mục Bari - ở ngoài Hồng Y đoàn - là Bartolomeo Prignano, người Ý lên ngôi giáo hoàng. Lịch sử kể lại rằng bầu cử xong, các vị Hồng Y bỏ trốn hết vì sợ dân chúng không hài lòng sẽ làm loạn. Ngài lên ngôi lấy tước hiệu là Urban VI. Tuy nhiên vì quá thẳng tính ngài làm mất lòng rất nhiều các Hồng Y, nhất là các Hồng Y người Âu Châu. Thấy vậy, các Hồng Y đâm ra nghi ngờ việc bầu cử trước đây, cho rằng đã bầu cử dưới áp lực của dân chúng. Nhân tiện vua Pháp đề nghị bầu vị Giáo Hoàng khác, các vị đã họp tại Avignon và khởi sự cuộc "ly pháp" 3 vị Giáo Hoàng thê thảm nhất trong Giáo Hội. Nhìn vào biểu đồ chúng ta sẽ thấy rõ ràng hơn
Thời Avignon (Tất cả các vị Giáo Hoàng thời Avignon đều là người Pháp)
Clementê V (1305-1314), dời toà thánh từ Roma về Avignon năm 1309
Toà thánh trống ngôi 2 năm
Gioan XXII
Clementê VI
Innocentê VI
Chân phước Urban V (1362-1370), đã về Roma nhưng trở lại Avignon
Gregory XI (1370-1378). Nhờ thánh Catarina de Sienna thuyết phục, năm 1376 ngài quyết định trở về Roma.
Đức Giáo Hoàng Gregory XI
B. Avignon
(theo đề nghị của Vua nước Pháp là Charles V, các Hồng Y bầu tại Avignon)
- Clementê VII (1378-1394)
- Benedicto XIII (1394-1423)
Có các thánh Vincentê Ferrier, Coletta Corbie và chân phước Phêrô Luxemburgh ủng hộ (1)
A. Roma
- Urban VI (Bartholomeo Prignano) (1378-1389)
- Bonifacio IX (Tibaldeschi) (1389-1404)
- Innocentê VII (1405-1406)
- Gregory XII (1406-1417) (cuối cùng chấp nhận thoái vị)
Có các thánh Catarina de Siena, Catarina nước Thuỵ Điển, Phêrô Aragon ủng hộ.
C. Bolonia
Năm 1407 vua nước Pháp là Charles VI đề nghị cả 2 vị Giáo Hoàng trên đến họp tại Savona để tìm giải pháp. Benedicto XIII đến, còn Gregory XII thì không. Các vua Âu Châu (Pháp, Anh, Bồ đào Nha, Bohemia, Đức, Ý) và các Hồng Y bèn họp Đại Công Đồng truất phế cả hai. Chủ thuyết Đại Công Đồng trên Giáo Hoàng phát sinh từ đấy. Các Hồng Y bầu 1 tu sĩ dòng Phanxicô là:
- Alexandrô V (Pietro Philarghi) (1409-1410)
- Gioan XXIII (Balthasar Cossa) (1411-1413)
Khi Đức Gregory XII phải bỏ Roma vì chiến tranh thì Roma thuộc về quyền lãnh đạo của đức Alexandrô V. Khi Đức Alexandrô V từ trần thì Đức Gioan XXIII lên kế vị. Năm 1413 ngài cũng phải bỏ Roma cho vua Ladislas người thành Angers chiếm đóng. Ladislas bị vua Louis II của Pháp đánh bại. Còn đức Gioan XXIII phải nhờ vả đến hoàng đế xứ La Đức là Sigismund bảo vệ.
D. Hợp nhất
Hoàng đế Sigismund đề nghị đức Gioan XXIII triệu tập Đại Công Đồng Constancia (1413), rồi mời luôn 2 vị Gregory XII và Benedictô XIII đến, nhưng 2 vị này không tới. Riêng đức Gregory thì cho biết sẽ từ chức nếu 2 vị kia cũng làm như vậy. Tuy đức Gioan XXIII hy vọng là mình sẽ được chọn làm Giáo Hoàng nhưng khi thấy cả 3 vị đều bị yêu cầu từ chức thì bỏ trốn. Tuy nhiên Công Đồng vẫn tiếp tục. Công Đồng thấy vậy truất chức Đức Gioan XXIII. Chủ thuyết "quyền tối thượng thuộc về Công Đồng" xuất hiện. Sau đó Đức Gregory XII cử Đức Hồng Y Giovanni Domenici đại diện, tuyên bố thoái vị. Đức Benedictô XIII vẫn không chịu, nhưng không được vua nào, kể cả vua Tây Ban nha và thánh Vinh Sơn Ferrier ủng hộ nữa. Ngài bị Công Đồng cách chức. Như vậy 1 vị từ chức và 2 vị bị truất chức. Ngày 11 tháng 11 năm 1417 cử tri đoàn gồm cả Hồng Y và 30 Giám Mục thuộc các nước Pháp, Anh, Đức, Ý và Tây ban nha, mỗi nước 5 vị, bầu đức Hồng Y Otto Colonna, người Roma lên ngôi Giáo Hoàng tước hiệu Martin V (1417-1431)
3. Từ năm 1385 đến1390, thánh Vinh Sơn dậy thần học tại Valencia. Năm 1391, ngài được chọn làm linh hướng cho hoàng hậu Yolanda miền Salamanca. Cũng trong thời gian làm việc gần gũi với Hồng Y Pedro de Luna, thánh Vinh Sơn đã giúp một thầy Rabbi Do Thái giáo trở lại Công Gíao. Sau này vị mục sư trở thành Giám Mục Công Giáo tên là Paul of Burgos. Cũng có lần thánh nhân bị đem ra toà pháp đình Roma vì có người cho rằng thánh nhân nói "Juda cũng làm việc đền tội". Tuy nhiên, Hồng Y Pedro de Luna, vừa được bầu làm Giáo Hoàng (Benedict XIII) đã đốt tất cả giấy tờ tố cáo. Sau đó đức Benedict XIII gọi ngài sang Avignon và chỉ định làm cha giải tội của Đức Giáo Hoàng và là trưởng toà hoà giải. Thánh nhân từ chối mọi vinh dự, kể cả chức Hồng Y và Gíam Mục. Trong thời gian này, ngài bị bệnh sốt tê liệt nặng đến nỗi chỉ còn chờ chết. May mắn thay, Chúa đã hiện ra cùng với hai thánh Đaminh và Phanxicô chữa lành. Sau đó ngài được các vị uỷ thác đi rao giảng thống hối và cảnh báo mọi người về ngày phán xét cuối cùng. Năm 1399 Đức Benedict XIII cho phép thánh Vinh Sơn đi truyền giáo với "đặc ân mà Đức Kitô phó thác cho" (latare Christi). Trong 24 năm, ngài đi rao giảng tin mừng khắp miền Tây Âu Châu, kêu gọi mọi người thống hối và ăn năn đền tội. Số hối nhân đến với ngài đông đến độ ngài không thể giảng trong nhà thờ, nhưng tại các công trường và nơi thị tứ. Các vùng Provence, Dauphiny, Savoy, Alpine, Lombardi, thuộc Pháp, rồi Alexandria, ngài đã chọn một thanh niên trẻ nối gót đi rao giảng tin mừng. Đó là thánh Bernadine thành Siena. Một linh hồn nổi bật khác trong số môn đệ là thánh Margaret of Savoy. Rồi ngài vòng sang Thuỵ Sĩ, quay trở về Pháp qua ngả Lyons. Thiên hạ lũ lượt đi theo ngài. Con số đi theo, hiểu theo nghĩa đen, có lúc lên đến hơn 10,000 người. Đủ mọi thứ hạng. Từ vua chúa, quan quyền, đến người nghèo khổ. Thực là khó hiểu để giải thích hiện tượng này, vì có lẽ ngài chỉ nói tiếng miền Valencia, là tiếng Limousin. Vậy mà hàng vạn người cứ lũ lượt đi theo.
Một trong những câu chuyện vẫn được kể lại về việc rao giảng tin mừng của ngài là, có một lần, sau khi đã hoàn tất bổn phận, giúp cho cả hàng ngàn người thống hối, thánh nhân cầu nguyện. Đang khi cầu nguyện, Chúa hiện ra với ngài. Thánh nhân tạ ơn Chúa. Chúa hỏi:
- Con có biết tại sao nhiều người trở lại vậy không?
- Thưa Chúa! Vì Chúa thương họ
- Đúng. Nhưng con biết động lực nào thúc đẩy họ trở lại không?
- Nhờ ơn Chúa.
- Đúng vậy con ạ. Ơn của Ta đến với họ qua lời cầu nguyện của thầy vẫn cùng đồng hành với con đó. Trong khi con rao giảng, thầy cầu nguyện. Lời cầu nguyện của thầy thúc đẩy họ.
Chúa lại ban cho ngài ơn làm phép lạ. Làm nhiều đến độ cha bề trên phải ra lệnh rằng, từ nay có phép của bề trên mới được làm phép lạ.
Một hôm, đang lúc đi đường, bỗng dưng có một người thợ té từ trên lầu cao xuống đất. Ngài quát bảo " hãy dừng lại". Người thợ cứ đứng lưng chừng trên không như vậy. Thánh Vinh Sơn mới chợt nhớ ra rằng mình vừa làm phép lạ, nên nói với anh thanh niên chờ để về nhà dòng xin phép bề trên. Anh thợ cứ chờ trên không trung như vậy cho đến khi ngài trở lại!
Ngay tại Việt Nam chúng ta, vào những thập niên 50 và 60 tại Bắc Việt cũng như Nam Việt, rất nhiều đền thờ, nhà thờ dâng kính ngài và nhiều người mang tên thánh rửa tội là Vinh Sơn để nhớ đến các ơn lành ngài đã làm.
Vào năm 1408, ngài đồng ý với ý kiến xin 2 vị Giáo Hoàng Benedictô XIII và Gregory XII cùng gặp gỡ để tìm giải pháp cho cuộc ly giáo. Ngài khuyên đức Benedict nên thương đến Giáo Hội đang chịu đau khổ. Nhưng giấc mộng không thành. Sau đó, ngài trở lại Tây ban nha. Khắp các vùng Iberia, Castile, Aragon, Valencia, Murcia, Granada, Andalusia, Asturia đều được nghe tiếng ngài rao giảng. Bên cạnh đời sống đạo đức là những bài giảng đánh động con tim và phép lạ kèm theo. Hàng vạn người Do Thái và Hồi giáo chết ngất trong sự thán phục đời sống của ngài đã xin tòng giáo. Con số người Do Thái theo đạo lên đến hơn 25,000. Riêng tại xứ Granada, hàng vạn người Hồi giáo Moors về với Công Giáo.
Cũng phải ghi nhận nơi đây rằng thánh Vinh Sơn là một trong những người rất ủng hộ đức Benedict XIII. Nhờ lời giảng dạy, gương lành, phép lạ, thánh nhân đã củng cố rất nhiều vai trò và vị thế của đức Benedict. Mãi cho đến năm 1416, khi Giáo Hội, với sự hướng dẫn của Hoàng đế nước La-Đức là Sigismund, đề nghị cả 3 vị Giáo Hoàng cùng từ chức để chọn một vị khác, và khi đức Benedict XIII không chịu từ chức, thánh nhân mới quyết định bỏ vị này. Đây là một quyết định thật đau lòng với thánh nhân. Đức Benedict vừa là người bạn, vừa là thầy, vừa là ân nhân. Nhưng, Giáo Hội phải trên tất cả. Sau đó thánh nhân tiếp tục rao giảng Tin Mừng thống hối, đánh thức lương tâm của nhiều người nhờ tài hùng biện và nhờ các phép lạ ngài làm. Không quá lời để nói rằng toàn vùng Tây Âu đều có gót chân ngài. Đã thế, chính cuộc đời đơn sơ, kham khổ của ngài là bài giảng hùng hồn hơn hết. Tuy là con nhà giầu sang, quyền quý nhưng cuộc sống của ngài phản ảnh tinh thần khó nghèo của Chúa Kitô. Đi rao gỉang khắp nơi, không có giường nằm. Những người quen của ngài thuật lại rằng sàn nhà bằng đất chính là giường ngủ của ngài. Ngài ăn chay liên tục. Ngài thường thức giấc lúc 2 giờ sáng để đọc kinh Thần Vụ. Dâng lễ hằng ngày. Đi giảng đạo ít nhất 3 giờ đồng hồ mỗi ngày. Làm phép lạ rất thường xuyên. Rồi đến 8 giờ tối, ngài chuẩn bị cho bài giảng ngày hôm sau. Ngài viết nhiều sách, đáng kể nhất là cuốn “De suppositionibus dialecticis”; “De natura universalis”; “De monderno eccle-siae schismate”, và “De vita spirituali”.
4. Cũng cần ghi nhận nơi đây các đặc tính của vị thánh được gọi là hay làm phép lạ này. Ngài được ơn triên tri. Ngài đã nói trước về việc thánh Bernadine de Siena sẽ được phong thánh, kể lại toàn bộ chi tiết buổi lễ như tận mắt trông thấy, rồi nạn dịch tại thành Barcelona, việc đức Giáo Hoàng tương lai sẽ đến từ giòng họ Borgia. Theo sách “Công Vụ Các Thánh” (Acta Sanctorum) ghi nhận thì ngài đã làm 873 phép lạ. Còn riêng ngài thì vào năm 1412, tức là 7 năm trước khi qua đời (1419), trong bài giảng trước công chúng, khi nói rằng ngài là 1 trong các thiên thần mà thánh Gioan đã nhắc đến trong phúc âm, đã nói “Thiên Chúa, qua lòng thương xót vô biên, đã cho tôi, người tội lỗi đáng thương, làm 3,000 phép lạ”. Chính vì thế mà chúng ta thấy tượng thánh Vinh Sơn có mang cánh thiên thần sau lưng như dấu hiệu của vị thiên thần sẽ trở lại trong ngày chung thẩm. Các tài liệu đương thời kể lại rằng ngài chữa 70 người khỏi bị quỷ ám. Thánh Antoninus nói rằng qua thánh Vinh Sơn 28 người chết sống lại. Thế nhưng, nhân đức quan trọng nhất của ngài với anh em trong Dòng được ghi nhận là sự vâng phục tuyệt đối vào các bề trên và sự phó thác hoàn toàn vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Suốt cuộc đời, thánh nhân đã sống đúng như những gì ngài dạy dỗ. Khi biết mình sắp giã từ cõi đời, ngài xin các anh em trong Dòng cùng họp lại chung quanh để đọc kinh. Ngài xin đọc bài thương khó. Đang lúc đọc kinh cầu các thánh thì ngài đã giã từ cõi đời về với Chúa. Đó là ngày 5 tháng 4, 1419.
Ngay sau khi qua đời, Toà Thánh bắt đầu ngay tiến trình phong thánh. Như lời ngài tiên tri, một vị Giáo Hoàng dòng dõi Borgia là Alphonsus Borgia, tức là Đức Giáo Hoàng Calixtus III, vào ngày 29 tháng 6 năm 1455, long trọng tuyên dương hiển thánh cho ngài. Tuy nhiên, tên ngài được chính thức công bố trong công hàm các thánh do đức Giáo Hoàng Pio II vào ngày 1 tháng 10 năm 1458.
5. Thần đạo của thánh Vinh Sơn.
Bên cạnh hồng ân Chúa ban như một người hay làm phép lạ, tiên tri, rao giảng, thánh Vinh Sơn đã để lại những lời dạy dỗ rất khôn ngoan cho các môn đệ như thần đạo của ngài. Ngài dạy như sau:
“A. Khi các con bị ma quỷ cám dỗ”
Đây là những phương thuốc mà cha muốn các con dùng để tránh những chước ma quỷ cám dỗ:
1. Phương thuốc thứ nhất: Đừng mong mỏi những ơn lạ. Người sống trong ơn nghĩa của Chúa là người đừng bao giờ mong mỏi được ơn lạ như ơn giảng thuyết, ơn mặc khải, ơn tiên tri...Hãy chỉ mong mỏi ơn biết yêu mến Chúa và tha nhân thôi. Tại sao? Việc mong mỏi ơn lạ là khởi nguồn của tính kiêu ngạo.
2. Phương thuốc thứ hai: khi cầu nguyện, xin ơn hoặc chiêm niệm, con đừng mong mỏi được ngay sự bình an hoặc sự an ủi thiêng liêng nào. Con nên nhớ rằng, khi cầu xin hoặc suy niệm, và được ơn, người ta sẽ tưởng rằng mình thánh thiện lắm. Sự tự hào khi được ơn chính là bước đầu dẫn đưa đến tính kiêu ngạo.
3. Phương thuốc thứ ba: tuyệt đối tin tưởng vào lời giáo huấn của Giáo Hội. Con đừng nghĩ mình sẽ có những ý tưởng cao siêu tuyệt vời hơn cả giáo huấn của Giáo Hội. Bước đầu cám dỗ của ma quỷ đó con ạ. Đừng tin ở mình.
4. Phương thuốc thứ tư: Tìm tòi trong Thánh Kinh. Hãy tìm đọc và nghiên cứu Thánh Kinh để thấy và nhận ra tiếng Chúa.
5. Phương thuốc thứ năm: hãy tránh xa những người cho rằng họ có ơn linh ứng. Đừng nghe họ nói cũng đừng nghe họ giải thích. Con sống đức tin của con chứ không phải những dấu lạ của người đó đâu.”
”B. Khi gặp gương xấu và những triết lý sai lạc”
Thì đây là những phương thế chống lại:
1. Hãy thường xuyên xét mình.
2. Suy nghĩ và bàn hỏi trước khi hành động.
3. Theo con đường bình thường, làm những việc bình thường.
4. Đừng làm gì khi đang ở trong trạng thái nghi ngờ.
5. Hãy tiếp tục làm những việc thông thường đang làm, đừng bỏ lưng chừng.
6. Chấp nhận những thử thách như là ý Chúa cho phép ma quỷ cám dỗ”.
”Lạy Thánh Vin-cen-tê hay làm phép lạ, cầu cho chúng con”.